Hiện tượng đỏ mặt sau khi uống rượu xuất hiện ở nhiều người. Không chỉ mặt mà lưng, ngực cũng có thể bị đỏ lên nhanh chóng. Vấn đề uống rượu bị đỏ mặt có nguy hiểm không luôn dành được sự quan tâm, chú ý trong thời gian gần đây. Để có cho mình lời giải đáp cho vấn đề này, mời bạn theo dõi ngay bài viết sau đây!

Tại sao uống rượu lại bị đỏ mặt?

Đỏ bừng mặt khi uống rượu là hiện tượng thường gặp ở một số người, được các chuyên gia gọi với tên “phản ứng xả cồn”. Điều này gây ra do hiện tượng cơ thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa rượu hoàn toàn. 

Thông thường, trong gan có chứa một enzyme là ALDH2 (aldehyd dehydrogenase 2). Đây là enzyme có tác dụng phân hủy alcetaldehyd – sản phẩm chuyển hóa của rượu. Khi nồng độ chất này trong máu cao sẽ gây đỏ mặt và các triệu chứng khác.

Những người đỏ mặt khi uống rượu thường là do thiếu loại men này. Sự thiếu hụt ALDH2 là tình trạng cũng khá phổ biến trên thế giới với 8% dân số gặp phải. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ này tăng cao hơn ở các nước Đông Á như: Nhật Bản, Trung Quốc,... Có ít nhất 36 - 70% dân số khu vực Đông Á gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân thường do di truyền từ bố, mẹ sang con.

r687yi.jpg

Đỏ mặt khi uống rượu là hiện tượng thường gặp ở nhiều người

Sự thiếu hụt ALDH2 làm cho acetyldehyd tích tụ trong cơ thể, không chỉ gây ra hiện tượng đỏ bừng mặt, người uống còn có thể xuất hiện các triệu chứng như:

- Loạn nhịp tim.

- Đau đầu dữ dội.

- Buồn nôn, nôn.

Uống rượu bị đỏ mặt có nguy hiểm không?

Thực chất, uống rượu bị đỏ mặt không phải là tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây lại là dấu hiệu cảnh báo các rủi ro khác có thể xảy ra. Một số nguy cơ có thể xuất hiện ở những người uống rượu bị đỏ mặt như:

Tăng huyết áp

Nghiên cứu khoa học năm 2013 đã cho thấy, những người uống rượu bị đỏ mặt có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn. Các nhà khoa học đã quan sát trên 1763 người đàn ông Hàn Quốc và ghi nhận những người có hiện tượng đỏ mặt sử dụng hơn 4 ly đồ uống chứa cồn mỗi tuần tiềm ẩn nguy cơ tăng huyết áp cao hơn so với những người không uống. Trong khi đó, những người không bị đỏ mặt lại có khả năng tăng huyết áp nếu như họ uống hơn 8 ly mỗi tuần.

Ung thư

Một đánh giá năm 2010 dựa trên 10 nghiên cứu khác nhau đã cho thấy, ở nam giới uống rượu bị đỏ mặt, nguy cơ ung thư cao hơn, đặc biệt là ung thư thực quản. Các đánh giá này không liên quan đến nguy cơ ung thư ở phụ nữ. Tuy nhiên, một vài nhà khoa học lại cho rằng, hiện tượng đỏ mặt có thể hữu ích trong việc xác định các bệnh lý nguy hiểm trên.

Hiện nay, cách duy nhất ngăn chặn tình trạng đỏ mặt khi uống rượu đó là hạn chế tiêu thụ nó. Thậm chí, ngay cả khi không bị đỏ mặt, hạn chế sử dụng rượu cũng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, có tới 5% các trường hợp tử vong trên thế giới do rượu gây ra. Không chỉ vậy, sử dụng rượu quá nhiều trong một thời gian dài còn có thể gây ra các bệnh như: Viêm gan, xơ gan, ung thư gan, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, suy giảm trí nhớ, các vấn đề về tiêu hóa,...

ruou-con-gay-ra-nhieu-benh-ly-tren-gan.jpg

Rượu còn gây ra nhiều bệnh lý trên gan

Bạn chỉ nên sử dụng một lượng rượu vừa phải, tối đa 1 ly nhỏ với phụ nữ và 2 ly nhỏ với nam giới mỗi ngày. Đối với những người bị đỏ mặt do dùng rượu, ngưng sử dụng là cần thiết để bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình.

Hạ Vy